Nguyên nhân Galaxy Note 7 phát nổ đã có lý giải

Hiện nay, pin Lithium-ion gần như được sử dụng cho tất cả các sản phẩm công nghệ, từ điện thoại, máy tính xách tay cho đến máy bay và các loại xe điện. Mặc dù vậy, việc hãng Samsung thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 sau những sự cố nổ pin liên tiếp đã làm dấy lên không ít lo ngại về sự an toàn của loại pin này.


Tuần trước, Cơ quan Hàng không Liên bang FAA đã cảnh báo hành khách không sạc điện hoặc bật Galaxy Note 7 trong các chuyến bay. Thậm chí họ còn khuyến cáo nên để chúng vào hành lý ký gửi. Một số hãng hàng không quốc tế cũng đã đưa ra thông báo tương tự.

Galaxy Note 7 theo báo Mỹ Chicago Tribune, gần đây nhất, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ - CPSC khuyên người tiêu dùng nên "dừng sạc điện và sử dụng Galaxy Note 7 để đảm bảo an toàn".

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về pin Lithium và lý do tại sao đôi khi chúng lại có thể bắt lửa và gây ra những vụ nổ đáng tiếc.

Pin Lithium-ion là gì và tại sao chúng lại được sử dụng phổ biến?


Lithium-ion trên Galaxy Note 7 tương đối khác với loại pin AA cơ bản dùng cho điều khiển TV bởi chúng có thể được sạc lại nhiều lần để tiếp tục cung cấp năng lượng. Pin Lithium-ion thường được lắp trực tiếp bên trong thiết bị và sử dụng Lithium hóa học làm nhiên liệu chính.

Pin Lithium-ion đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và điện thoại do có khả năng lưu trữ năng lượng hiệu quả.

Stephen Hackney, giáo sư thuộc lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại Đại học Công nghệ Michigan cho biết: "Năng lượng mà Lithium-ion cung cấp so với một số loại pin công nghệ cũ cùng kích thước thường nhiều hơn từ 2 đến 4 lần".



Pin Lithium-ion hoạt động ra sao?

Giống như các loại pin khác, Lithium-ion hoạt động bằng cách lưu trữ và giải phóng năng lượng thông qua những phản ứng hóa học có kiểm soát. Pin Lithium-ion có hai điện cực đối diện nhau và đó là nơi dòng điện đi vào và đi ra. Điện cực dương chứa các ion mang điện tích âm. Còn điện cực âm chứa các ion mang tích điện dương và lithium.

Bạn có thể dễ dàng nhận biết cực dương và cực âm nhờ ký hiệu dấu cộng và dấu trừ trên pin.

Khi sử dụng, lithium di chuyển từ cực âm đến cực dương và khi bạn sạc điện, nó sẽ di chuyển trở lại cực âm. Trên thực tế, có một thiết bị ngăn cách bên trong nhằm giữ cho cực dương và cực âm không chạm vào nhau bởi điều này có thể gây ra rủi ro cháy nổ.



Sơ đồ hoạt động của pin Lithium-ion khi sạc (bên trái) và xả (bên phải)

Điều gì gây ra những vụ nổ pin?

Giáo sư Hackney giải thích lý do bạn có thể "nhồi nhét" quá nhiều năng lượng vào pin Lithium-ion là vì về cơ bản, lithium "có thể phản ứng với hầu như tất cả mọi thứ" và điều này đôi khi dẫn tới hậu quả là những vụ nổ pin.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến loại pin này có thể nổ là do các lỗi mắc phải trong quá trình sạc điện. Bên trong thiết bị được cài đặt phần mềm cho biết chính xác lượng điện cần sạc và thời gian sạc dự tính.

Nếu những giao thức này được thiết lập không đúng cách thì chúng sẽ khiến một số hóa chất bên trong pin trở nên bất ổn và gây ra một phản ứng dây chuyền mà các nhà nghiên cứu gọi là quá trình "thermal runaway" (Tạm dịch: tỏa nhiệt) có thể dẫn đến hiện tượng cháy nổ.



Điện thoại quá nóng cũng có thể gây ra các vụ nổ. Vì vậy đôi khi bạn sẽ nhận được cảnh báo của điện thoại về việc làm mát thiết bị.

Một nguyên nhân khác có thể là chất lượng sản xuất không tốt hoặc người dùng sử dụng không đúng cách. Nếu một số vật liệu không mong muốn như phế liệu kim loại vô tình lẫn trong pin khi nó đang được sản xuất, chúng có thể gây ra quá trình tỏa nhiệt.

Điều gì đã xảy ra với Galaxy Note 7?

Đây có vẻ là một vấn đề liên quan đến sản xuất. Samsung đã công bố ít nhất 35 trường hợp pin của Galaxy note 7 phát nổ do "một lỗi rất hiếm gặp trong quá trình sản xuất" khiến cực dương và cực âm của pin chạm vào nhau.

Công ty đã quyết định tạm ngừng cung cấp và tiến hành thu hồi Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu chỉ hai tuần sau khi ra mắt đồng thời cung cấp điện thoại thay thế cho những khách hàng đã mua sản phẩm này.



Vấn đề tương tự có thường xuyên xảy ra không?

Theo giáo sư Hackney, tin tốt là vấn đề này khá hiếm gặp, đặc biệt là đối với những thiết bị cao cấp khi các nhà sản xuất luôn tiến hành những quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Mặc dù vậy, đã có không ít trường hợp tương tự xảy ra ở các dòng sản phẩm cao cấp. Năm 2006, Dell đã thu hồi hơn 4 triệu chiếc pin của máy tính xách tay do gặp phải vấn đề dễ gây cháy nổ. Năm 2013, máy bay Boeing 787 Dreamliner đã buộc phải ngừng hoạt động theo quyết định của FAA sau những báo cáo về các vụ cháy liên quan đến pin Lithium-ion sử dụng trong máy bay. Và mới đây nhất, gần nửa triệu chiếc hoverboard tại Mỹ đã bị thu hồi trong mùa hè vừa qua vì lý do tương tự.



Các quy định điều chỉnh

Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã thực hiện rất nhiều biện pháp để điều chỉnh việc sử dụng pin Lithium-ion. Bộ Giao thông Hoa Kỳ đã đưa ra những quy tắc sử dụng loại pin này một cách an toàn. Đây có thể là một trong những lý do khiến các vụ nổ có xu hướng giảm.

Một số quy định khác của Hoa Kỳ cũng yêu cầu tiến hành những bài kiểm tra về độ an toàn của pin dùng trong các sản phẩm tiêu dùng thông thường. Ủy ban An toàn Tiêu dùng Sản phẩm Hoa Kỳ - CPSC đã giám sát chặt chẽ các đợt thu hồi liên quan đến sản phẩm sử dụng pin Lithium-ion được coi là nguy hiểm. Bên cạnh đó, CPSC cũng đang làm việc với Samsung trong vấn đề chính thức thu hồi Galaxy Note 7 tại quốc gia này.
Nguyên nhân Galaxy Note 7 phát nổ đã có lý giải Nguyên nhân Galaxy Note 7 phát nổ đã có lý giải Reviewed by Unknown on 18:58 Rating: 5

Không có nhận xét nào